Xây dựng Emloyler branding

Xây dựng Employer Branding – Cách làm thực tế tại Money Forward Việt Nam

Hồng Như
phút
12/07/2023
Hồng Như
phút
07/12/2023

Employer Branding – Thương hiệu nhà tuyển dụng ngày càng trở nên quan trọng đối với ứng viên và cả các công ty, doanh nghiệp. Theo báo cáo từ Randstad Workmonitor toàn cầu 2023, có 86% người lao động cho rằng họ sẽ không nộp CV hoặc tiếp tục làm việc tại các công ty mà nhân viên cũ hoặc các hội nhóm, cộng đồng đánh giá thấp. 90% các công ty cũng thừa nhận, trải nghiệm của nhân viên là một phần quan trọng trong thương hiệu của họ – nghiên cứu từ Glassdoor.

Trong buổi trò chuyện cho Podcast “Happy Hours Show” – chương trình do PITO tài trợ , anh Huỳnh Tường Hi – Organization Development Manager, Công ty công nghệ tài chính Money Forward Việt Nam – cũng nhấn mạnh vai trò của Employer Branding trong vấn đề tuyển dụng nói riêng, xây dựng văn hoá doanh nghiệp nói chung. Theo anh, thị trường tuyển dụng của nhóm ngành công nghệ (IT, software…) đang có mức cạnh tranh gần như cao nhất trên thị trường, bên cạnh các chính sách phúc lợi cần có thì hình ảnh nhà tuyển dụng là yếu tố tiên quyết ảnh hưởng đến sự lựa chọn của ứng viên.

Employer Branding là gì?

Employer Branding được hiểu là Thương hiệu nhà tuyển dụng, là hình ảnh và danh tiếng mà một doanh nghiệp nỗ lực xây dựng để thu hút ứng viên tiềm năng cũng như giữ chân nhân tài. Quá trình này bao gồm các hoạt động xây dựng, phát triển và truyền đạt các giá trị văn hoá doanh nghiệp đến nhân viên; tạo cho nhân viên những cơ hội phát triển và thụ hưởng những lợi ích thiết thực, đúng nhu cầu nhất.

Tại sao Emloyer Branding quan trọng?

Thử đặt mình là một người đang tìm việc, điều bạn quan tâm ở công ty là gì: Phải chăng là môi trường làm việc như thế nào? Đồng nghiệp ra sao? Văn hoá và cách quản lý con người có tích cực không?… Nhu cầu của ứng viên đối với một vị trí công việc đang và sẽ không đơn thuần về chuyên môn hay công việc mà còn hướng đến nhiều yếu tố khác. Do vậy, việc xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng là cách để công ty, doanh nghiệp dễ dàng giới thiệu, quảng bá hình ảnh tốt đẹp của đơn vị đến ứng viên. 5 lợi ích dưới đây sẽ giải thích tại sao công ty, doanh nghiệp của bạn cần xây dựng Employer Branding:

  • Thu hút ứng viên và giữ chân nhân tài: như đã nói, ứng viên hoặc nhân viên đã làm việc tại công ty đang có sự quan tâm đặc biệt đến môi trường làm việc và hình ảnh doanh nghiệp. 69% người lao động trả lời khảo sát của Glassdoor cho rằng một công ty có hình ảnh thương hiệu tốt, được cộng đồng chú ý và ủng hộ là rất quan trọng. Do vậy, công ty bạn càng đầu tư vào Employer Branding thì càng có khả năng thu hút và giữ chân những nhân viên tài năng.
  • Tăng cường cam kết và sự tận tuỵ của nhân viên: khi một công ty nghĩ về Employer Branding đồng nghĩa với việc họ phải tạo ra những giá trị thật, những lợi ích thật cho nhân viên và sử dụng kết quả ấy để truyền thông, lan toả đến thị trường. Vì vậy, hoạt động Employer Branding của công ty càng mạnh mẽ càng khiến nhân viên cảm thấy được quan tâm, chăm sóc và được đầu tư vào quá trình phát triển cá nhân. Từ đó, nhân viên càng tự hào, càng nỗ lực và tận tuỵ gắn bó với công ty một cách tích cực hơn.
Nâng cao sự tận tuỵ của nhân viên
Nguồn ảnh: Canva
  • Giảm chi phí tuyển dụng: “hữu xạ tự nhiên hương” khi danh tiếng của công ty được thị trường và ứng viên biết đến, nhà tuyển dụng không cần phải tốn quá nhiều chi phí truyền thông, đăng tuyển mà vẫn có ứng viên. Những ứng viên chất lượng sẽ sẵn sàng “đầu quân” vào công ty nếu họ nhận thấy những lợi ích và giá trị tương đồng, xứng đáng.
  • Tăng tính cạnh tranh trên thị trường lao động: trong bối cảnh thị trường lao động có nhiều cạnh tranh, doanh nghiệp nào có Employer Branding càng nổi bật thì càng dễ thu hút sự chú ý của ứng viên. Điều này là đặc biệt quan trọng trong các ngành nghề có sự khan hiếm nhân lực, nơi các công ty phải cạnh tranh để thu hút và giữ chân nhân viên xuất sắc.
  • Nâng cao hình ảnh thương hiệu: khi đầu tư xây dựng Employer Branding bạn không chỉ đầu tư cho mảng tuyển dụng mà còn tạo ra lợi ích lâu dài, tác động tích cực đến hình ảnh thương hiệu, tạo thêm niềm tin cho khách hàng, đối tác và cả cộng đồng nói chung về sản phẩm hoặc tên tuổi của công ty.

Cách Money Forward Việt Nam xây dựng Employer Branding

Hỏi rõ về mong muốn của nhân viên

Money Forward Việt Nam là chi nhánh nước ngoài đầu tiên của Tập đoàn Công nghệ Tài chính Money Forward Nhật Bản, hiện có 2 văn phòng tại Hà Nội và TP.HCM với khoảng 200 nhân sự. Anh Tường Hi nói: “Khi xây dựng Employer Branding, công ty tập trung vào việc nhận một thành viên mới, tạo cho họ sự hài lòng, thoả mãn và yêu thích nhất để họ ở lại lâu hơn so với tỷ lệ giữ chân nhân sự của nhóm ngành công nghệ trên thị trường”.

Hiểu rõ về mong muốn của nhân viên
Nguồn ảnh: Website Money Forward Việt Nam

Để làm được điều này, Money Forward Việt Nam luôn hỏi rõ về mong muốn của nhân viên trước và sau khi gia nhập cùng đội ngũ. Cụ thể, ngay từ quá trình phỏng vấn, bộ phận tuyển dụng sẽ có những câu hỏi về lý do ứng viên rời khỏi công ty cũ, các tiêu khi chọn công ty mới hoặc mong muốn về một trường làm việc như thế nào?

Đây là bước sàng lọc đầu tiên để công ty hiểu về nhu cầu của ứng viên nói riêng, thị trường tuyển dụng của ngành công nghệ nói chung. Từ đó, xây dựng những phúc lợi hoặc tạo ra những giá trị phù hợp, thu hút ứng viên quan tâm ứng tuyển.

Bước tiếp theo, khi ứng viên đã trở thành nhân viên chính thức của công ty, bộ phận Organizational Development – Phát triển tổ chức – do anh Tường Hi quản lý, tiếp tục kết nối và khảo sát nhân sự bằng nhiều câu hỏi.

Mục đích cuối cùng của quá trình trao đổi, khảo sát là tìm ra suy nghĩ và những mong muốn bên trong của nhân viên về quyết định lựa chọn và gắn kết lâu dài với một công ty là gì? Những câu trả lời từ ứng viên, nhân viên sẽ là kim chỉ nam để Money Forward Việt Nam tạo ra khung giá trị phù hợp, xây dựng những hoạt động đúng nhu cầu cũng như có kế hoạch làm Employer Branding hiệu quả.

Lan truyền tin tốt thay vì dập “bad review”

Lan truyền tin tốt khi làm Employer Branding

Các kênh truyền thông, mạng xã hội vừa là môi trường lý tưởng để thực hiện hoạt động Employer Branding vừa là không gian tốt cho những đánh giá tiêu cực phát tán. Tính riêng mạng xã hội Facebook, hiện có hàng chục hội nhóm như Hội review công ty có tâm, Review công ty cực gắt, Chuyện công sở… có hàng ngàn thành viên. Những bình luận, đánh giá tại đây có tác động lớn đến thương hiệu nhà tuyển dụng.

“Các công ty đều biết cộng đồng mạng đang nói gì về chúng tôi, ‘bad review’ dường như đã là chuyện bình thường. Giai đoạn đầu, Money Forward Việt Nam cũng đối diện với vấn đề này, các đối tác truyền thông có gợi ý nhiều công cụ để xử lý và loại bỏ những bình luận tiêu cực. Tuy nhiên, mình vẫn luôn trăn trở rằng liệu xử lý, xoá hoặc ẩn bài đánh giá này thì còn bài thứ 2, thứ 3 không. ‘Bad review’ là điều công ty không thể soát nhưng ‘good review’ thì có thể, mình sẽ không dập tin xấu mà sẽ tìm cách lan truyền thật nhiều tin tốt” – Anh Tường Hi chia sẻ.

Xác định rõ như vậy, Money Forward Việt Nam tập trung xây dựng những nội dung chất lượng, tự truyền thông trên chính các nền tảng của công ty như Website, Facebook, Linkedin và thông qua các kênh cá nhân của nhân viên. Anh Hi cho biết: “Công việc Employer Branding của bộ phận mình là cố gắng mang những bộ mặt thật nhất của công ty cũng như cảm nhận của nhân viên đến với thị trường, còn lại để thị trường và ứng viên tự nhìn nhận và quyết định”.

Để nhân viên tự chia sẻ trên các kênh truyền thông

Trên website của Money Forward Việt Nam có mục Blog, dành riêng cho mục đích Employer Branding. Tại đây, công ty chia sẻ nhiều bài viết về các hoạt động nội bộ, chân dung nhân sự, giới thiệu về công việc và giá trị từ công ty. Điểm đặc biệt là tất cả các bài đều có phần phỏng vấn hoặc do nhân viên tự viết.

Giải thích về điều này, anh Hi cho biết: “Công ty nhận ra Employer Branding không thể là thông điệp gửi ra từ ban lãnh đạo hay từ chính công ty mà nên là cảm nhận chân thật từ cảm xúc của nhân viên. Khi cần giới thiệu các phúc lợi của công ty hoặc cần một lời đánh giá, team của mình sẽ tìm đến cộng sự, lắng nghe suy nghĩ và mượn những chia sẻ của các bạn để truyền thông.

Cách làm gián tiếp này vừa có ý nghĩa với bên ngoài vừa có giá trị với nội bộ, một mặt tạo nên những thông tin khách quan cho người đọc và một mặt khiến nhân sự nghĩ rằng các đồng nghiệp đang có cùng quan điểm, cùng cách nhìn nhận và nhận được những hệ giá trị như mình”.

Tạo các hoạt động Employer Branding
Nhân viên Money Forward Việt Nam cùng gia đình tham gia Workshop nhân ngày Gia đình Việt Nam.

Nhưng làm sao để nhân viên chủ động, tự tin chia sẻ và cùng công ty làm Employer Branding. Money Forward Việt Nam nói chung và bộ phận Phát triển tổ chức của anh Tường Hi nói riêng đã mất một khoảng khá dài để hiểu nhân viên và tìm ra cách giải quyết vấn đề. “Mấu chốt là nhân viên luôn hỏi tại sao họ phải làm như vậy?

Trả lời phỏng vấn hay đăng bài về công ty thì họ nhận được những giá trị gì. Có một số bạn sẽ ngại lên hình, ngại xuất hiện trước truyền thông vì hình ảnh chưa chỉn chu. Nắm bắt được nguyên nhân thì sẽ rất dễ để giải quyết. Điều mình và công ty đã làm là lần lượt trả lời các câu hỏi” – Anh Hi chia sẻ.

Khi nhân viên và công ty có sự gắn kết nhất định và thấu hiểu lẫn nhau, việc cùng nhau làm Employer Branding để tìm được những đồng nghiệp phù hợp và xây dựng hình ảnh thương hiệu vững vàng là hoàn toàn có thể. Bởi ai cũng muốn làm việc tại công ty tốt nhất, môi trường làm việc thân thiện và nhiều cơ hội phát triển nhất.

Employer Branding là quá trình xây dựng và củng cố lâu dài, đòi hỏi sự đầu tư nghiêm túc của công ty, doanh nghiệp, Trường hợp của Money Forward Việt Nam là một ví dụ cho quá trình này. Nếu công ty bạn đang có những cách làm thú vị và hiệu quả, đừng ngại để lại bình luận để chia sẻ với PITO và độc giả nhé! PITO rất mong được đón nhận những ví dụ khác về Employer Branding tại các doanh nghiệp.

Hồng Như

Chiếc bánh Tea break xinh xắn, bàn Buffet sang trọng luôn có sự thu hút lớn với Như. Trước là vì món ngon nhưng sau là vì những giá trị về văn hoá, ẩm thực thú vị. Chọn con đường viết lách chuyên nghiệp nghiêng về ẩm thực và Catering, Như tin các bài viết của mình tại PITO có thể truyền cảm hứng đến bạn, đồng hành cùng bạn trên hành trình tìm kiếm các giải pháp, dịch vụ ăn uống cho doanh nghiệp.

{"email":"Email address invalid","url":"Website address invalid","required":"Required field missing"}


Page [tcb_pagination_current_page] of [tcb_pagination_total_pages]

Có thể bạn sẽ quan tâm

Đăng ký nhận Newsletter từ PITO

>