Dấu ấn thương hiệu

Tạo dấu ấn thương hiệu trong các buổi tiệc công ty, tại sao không?

Hồng Như
phút
02/07/2025
Hồng Như
phút
02/07/2025

Không đơn thuần là chuyện ăn uống, vui chơi, các buổi tiệc công ty còn là dịp để ghi dấu ấn và lan tỏa các thông điệp tích cực của công ty, doanh nghiệp đến khách mời. Nếu là tiệc nội bộ, làm sao để nhân viên ấn tượng mục đích tổ chức và tinh thần gắn kết? Nếu là tiệc dành cho đối tác, khách hàng và các khách mời ngoài công ty, làm sao để tạo dấu ấn thương hiệu và gây ấn tượng?

Chi tiết về dấu ấn thương hiệu và cách lồng ghép tinh tế trong các buổi tiệc cũng như các lưu ý khi thực hiện, dành cho những đối tượng khác nhau… tất cả sẽ được PITO chia sẻ trong bài viết này.

Dấu ấn thương hiệu là gì?

Theo nhiều lý thuyết, dấu ấn thương hiệu là những đặc điểm độc đáo, ấn tượng và dễ nhận biết của một thương hiệu, giúp khách hàng ghi nhớ và phân biệt thương hiệu đó với các đối thủ cạnh tranh. Dấu ấn này bao gồm cả yếu tố hữu hình như logo, màu sắc, bao bì và vô hình như giá trị cốt lõi, thông điệp thương hiệu truyền tải và trải nghiệm khách hàng.

Xét ở nghĩa hẹp hơn, dấu ấn thương hiệu trong các buổi tiệc - điều mà HR, Admin quan tâm - không chỉ là việc bố trí logo công ty ở mọi nơi hay chỉ dùng màu thương hiệu cho mọi trang trí mà là sự kết hợp giữa cảm xúc và trải nghiệm của người tham gia; là khi buổi tiệc kết thúc, khách mời còn đọng lại điều gì và cảm nhận ra sao về công ty, doanh nghiệp của bạn.

Lồng ghép dấu ấn thương hiệu

Tại sao nên tạo dấu ấn thương hiệu trong các buổi tiệc

Lồng ghép thương hiệu vào các buổi tiệc vốn là yếu tố quan trọng, mang lại nhiều lợi ích, song đây lại là yếu tố thường “bị bỏ quên” trong kế hoạch tổ chức tiệc, sự kiện của HR, Admin. Dưới đây là 4 lợi ích quan trọng của dấu ấn thương hiệu, giúp bạn có cái nhìn tổng thể và lưu tâm hơn để dễ dàng ghi điểm với lãnh đạo và người dự tiệc.

  • Tăng độ nhận diện và yêu thích thương hiệu: Một buổi tiệc được tổ chức chỉn chu, có chủ đề và điểm nhấn thương hiệu rõ ràng sẽ khiến khách mời ghi nhớ sâu hơn về công ty. Từ một chiếc tag tên độc đáo, một ly nước có thông điệp thương hiệu hay một góc check-in sáng tạo… tất cả đều là những chi tiết giúp thương hiệu “hiện diện” một cách gần gũi. Đặc biệt, đây là một hình thức truyền thông hiệu quả và tiết kiệm, vừa giúp tăng độ nhận diện vừa hỗ trợ tích cực cho quá trình tuyển dụng.
  • Tạo ấn tượng chuyên nghiệp với đối tác, khách hàng: Khách mời - nếu là các đối tác, khách hàng lớn, quan trọng - khi đến dự tiệc, họ không chỉ ăn uống mà còn quan sát cách công ty tổ chức sự kiện, vận hành bữa tiệc. Sự chuyên nghiệp của quá trình này chính là một điểm cộng, góp phần nâng cao hình ảnh thương hiệu, hỗ trợ các hoạt động kinh doanh và xây dựng quan hệ đối tác.
  • Gắn kết và củng cố văn hoá nội bộ: Đối với các buổi tiệc nội bộ dành cho nhân viên, yếu tố thương hiệu cần được lồng ghép tự nhiên, gần gũi để nhân viên không chỉ ăn uống, vui chơi mà còn hiểu hơn về văn hóa doanh nghiệp, về thông điệp của hoạt động, từ đó có trách nhiệm hơn với việc tham gia, chủ động gắn kết cùng đồng nghiệp và công ty.
  • Khơi gợi sự tự hào và yêu mến nơi làm việc: Một buổi tiệc được tổ chức có tâm, có dấu ấn riêng và có chiều sâu, chắc chắn không chỉ khiến nhân viên cảm thấy được quan tâm, mà còn khơi dậy sự tự hào về nơi mình đang làm việc. Và khi mỗi nhân viên thấy thương hiệu hiện diện một cách sinh động, truyền cảm hứng, họ sẽ dễ đồng hành và lan tỏa hình ảnh công ty với bạn bè, người thân và cộng đồng xung quanh, có xu hướng gắn bó lâu dài hơn với công ty.

Hướng dẫn chi tiết cách tạo dấu ấn thương hiệu tinh tế và hiệu quả

Có nhiều cách để tạo dấu ấn thương hiệu trong các buổi tiệc, tuy nhiên tùy vào mục đích tổ chức, đối tượng tham gia, quy mô bữa tiệc và ngân sách hoặc văn hoá doanh nghiệp, HR, Admin, bộ phận phụ trách nội bộ sẽ có những cách làm phù hợp. Dưới đây, PITO hướng dẫn theo đối tượng (người tham gia) - yếu tố quyết định cách làm thương hiệu hiệu quả.

Với tiệc dành cho khách mời bên ngoài

Khách mời bên ngoài có thể là đối tác, nhà đầu tư, khách hàng, đại diện cơ quan báo chí, gia đình - người thân nhân viên… đến dự tiệc trong các dịp đặc biệt. Mỗi nhóm người tham dự có những đặc điểm, vai trò và cách tiếp nhận hình ảnh thương hiệu khác nhau. Song, điểm chung của nhóm này là họ chưa tìm hiểu kỹ, chưa biết nhiều về công ty, doanh nghiệp, vì vậy buổi tiệc chính là “cơ hội vàng” để truyền tải tinh thần, hình ảnh và thông điệp thương hiệu một cách ngắn gọn nhưng ấn tượng.

HR, Admin, bộ phận phụ trách nội bộ có thể tham khảo 5 cách làm dưới đây:

Xây dựng chủ đề và theme tiệc theo bộ nhận diện thương hiệu

Đừng để buổi tiệc chỉ là: gặp gỡ đối tác, kết nối khách hàng hay tri ân gia đình nhân viên… hãy chọn chủ đề phù hợp với từng dịp, từng đối tượng, sao cho chủ đề và các thông điệp gắn liền với thương hiệu công ty. Chính chủ đề này sẽ là nền tảng cho những yếu tố tiếp theo: theme tiệc, các ấn phẩm và hoạt động của buổi tiệc.

Xây dựng chủ đề tiệc

Đặc biệt, chủ đề nên dễ nhớ, dễ gây ấn tượng và phải “sống trong tâm trí” người tham gia. Một chủ đề tiệc thành công là chủ đề mở ra được những trao đổi cho mọi người; khách mời cũng sẽ hiểu công ty đang làm gì, đang hướng tới điều gì và gửi đến họ những thông điệp, giá trị gì.

Khi thực hiện, HR, Admin có thể tham khảo bộ nhận diện thương hiệu, phần tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi, để lấy chất liệu xây dựng chủ đề, chẳng hạn:

  • Nếu là doanh nghiệp trẻ, startup, có thể chọn chủ đề thể hiện sự năng động, tinh thần đổi mới.
  • Nếu là thương hiệu lâu đời, có thể chọn chủ đề tôn vinh hành trình, sự tin cậy và giá trị bền vững.
  • Nếu doanh nghiệp theo đuổi các giá trị cộng đồng, có thể chọn chủ đề thể hiện tinh thần lan tỏa, sẻ chia.

Thống nhất tất cả ấn phẩm theo chủ đề

Sau khi xác định chủ đề tiệc rõ ràng và nhất quán với thương hiệu, bước tiếp theo là đảm bảo toàn bộ hệ thống ấn phẩm trong sự kiện đều thống nhất và đồng bộ. PITO tin rằng một buổi tiệc với các ấn phẩm đồng bộ sẽ tạo nên trải nghiệm trọn vẹn và chuyên nghiệp cho khách mời, ngay từ cái nhìn đầu tiên cho đến khoảnh khắc cuối cùng.

Dưới đây là một số ấn phẩm cần được thiết kế thống nhất với chủ đề tiệc:

  • Thiệp mời, thư cảm ơn
  • Backdrop chính và khu vực check-in
  • Menu (với tiệc bàn) và bảng tên từng món ăn (với tiệc buffet, tea break)
  • Slide trình chiếu/clip giới thiệu/nội dung chiếu trên màn hình
  • Thẻ tên Ban tổ chức, bảng tên khách mời
  • ...

Lưu ý, nếu công ty bạn có sẵn bộ guideline thương hiệu, hãy áp dụng theo đó, để đảm bảo sự nhất quán về màu sắc, hình ảnh, font chữ và cách thể hiện thông điệp. Nếu HR, Admin không chuyên, chưa có nhiều kinh nghiệm về việc hoạt động này, bạn có thể nhờ bộ phận thiết kế của công ty hỗ trợ hoặc thực hiện trên các phần mềm thiết kế đơn giản như Canva… Ngoài ra, để thuận tiện cho những buổi tiệc tiếp theo, bạn có thể tạo một template cơ bản, ứng dụng được cho đa dạng dịp.

Tận dụng “điểm chạm” trải nghiệm

Phần lớn khách mời sẽ không nhớ hết mọi chi tiết trong buổi tiệc, nhưng họ sẽ nhớ những trải nghiệm khiến họ bất ngờ, cảm động hoặc ấn tượng. Đó chính là những “điểm chạm thương hiệu” - nơi cảm xúc cá nhân gặp gỡ tinh thần doanh nghiệp. Vì vậy, bên cạnh các yếu tố thiết kế, kịch bản chương trình… bạn hãy đặt mình vào vai trò của khách mời để tìm ra các “điểm chạm thương hiệu” trong suốt buổi tiệc. Đó có thể là:

  • Những nhân viên nhiệt tình, niềm nở tiếp đón, hướng dẫn khách mời ngay khi họ vừa bước vào không gian tiệc.
  • Cái bắt tay, lời hỏi thăm và tiếp đón thân tình từ bộ phận tổ chức hoặc lãnh đạo công ty, khiến người tham gia cảm thấy được trân trọng và chào đón.
  • Bảng tên từng thực khách tại vị trí ngồi hoặc tag tên trên ly nước, ly rượu, bộ dụng cụ ăn…
  • Ghi chú thành phần đặc biệt hoặc các nguyên liệu dễ gây dị ứng trên menu hoặc trước từng món ăn.
  • Thiệp hoặc quà cảm ơn dành cho từng thực khách, đặt sẵn tại bàn hoặc được bộ phận tổ chức gửi tặng tận tay.
  • ...

Nếu được sắp xếp khéo léo, tinh tế và có dụng ý rõ ràng, những “điểm chạm” này sẽ trở thành “điểm cộng” cho bữa tiệc. Điều này không chỉ giúp hình ảnh thương hiệu khắc sâu trong tâm trí người tham gia, mà còn giúp HR, Admin, bộ phận tổ chức bữa tiệc, sự kiện ghi điểm trong công việc.

Ghi dấu ấn bằng hình thức tiệc

Ẩm thực là một phần không thể thiếu trong bất kỳ buổi tiệc nào, nhưng nếu chỉ dừng lại ở việc “ăn ngon”, thì bạn đang bỏ lỡ một cơ hội lớn để thể hiện hình ảnh thương hiệu. Tuỳ vào nhóm thực khách và phong cách, tinh thần thương hiệu, bạn có thể chọn một trong các hình thức tiệc sau:

  • Tiệc buffet: phù hợp với doanh nghiệp cởi mở, hiện đại; khách mời là đối tác, khách hàng cần sự di chuyển thuận tiện để giao lưu, kết nối, mở rộng mối quan hệ.
  • Tiệc bàn (set menu): thể hiện sự chỉn chu, sang trọng; phù hợp với các khách mời quan trọng như nhà đầu tư, lãnh đạo cấp cao, báo chí và cần họ tập trung vào các hoạt động tại sân khấu chính.
  • Live station, Pass around: mang đến cảm giác sinh động, mới mẻ và những trải nghiệm ấn tượng cho người tham gia; rất hợp với các doanh nghiệp startup, các buổi tiệc dành cho những nhà sáng tạo, thiên hướng nghệ thuật hoặc khách nước ngoài.
  • Canapes, cocktail: phù hợp với những buổi tiệc mang tính networking, giao lưu nhẹ nhàng hoặc ra mắt sản phẩm/dự án mới. Sự nhỏ gọn, tinh tế trong từng món ăn, nước uống là cách thể hiện đẳng cấp, sự linh hoạt và tính quốc tế của doanh nghiệp.
Dấu ấn thương hiệu trên món ăn

Dù chọn hình thức tiệc nào, bạn cũng cần cân nhắc kỹ về đối tượng khách mời, mục tiêu sự kiện và thông điệp muốn truyền tải, để mỗi trải nghiệm ẩm thực không chỉ “đúng gu” mà còn góp phần làm nổi bật cá tính thương hiệu. Đặc biệt, nếu công ty bạn hướng đến sự triển bền vững có thể lựa chọn hình thức tiệc xanh, sử dụng vật dụng nhựa dùng một lần và hạn chế tối đa rác thải khó tái chế.

Tặng quà thiết thực, cá nhân hoá

Nếu được chuẩn bị đúng cách, quà tặng sự kiện không chỉ là vật kỷ niệm, mà còn là một trong những “dấu ấn thương hiệu” đọng lại nhiều nhất sau buổi tiệc. Không cần quá đắt tiền hay cầu kỳ, điều quan trọng là món quà thể hiện được sự chân thành, tính thiết thực, sự tinh tế và mang tính cá nhân hoá.

Bạn có thể cân nhắc 3 yếu tố này để chọn quà phù hợp cho tiệc công ty nhé:

  • Tính thiết thực: khách mời có thể sử dụng món quà này trong công việc, cuộc sống hằng ngày, chẳng hạn ly giữ nhiệt, sổ tay, túi tote, dù, áo mưa…
  • Thẩm mỹ: quà tặng được thiết kế đẹp, màu sắc hài hòa, in logo/màu nhận diện nhẹ nhàng và tinh tế, tránh tạo cảm giác “quảng cáo”.
  • Gắn với chủ đề tiệc và tinh thần thương hiệu: lồng ghép chủ đề, màu sắc và tinh thần, đặc điểm thương hiệu vào từng món quà tặng. Ví dụ, công ty công nghệ có thể tặng các sản phẩm về công nghệ, công ty theo đuổi lối sống xanh, có thể tặng ly giữ nhiệt, bộ sản phẩm thân thiện với môi trường…
Tặng quà khách mời

“Của cho không bằng cách cho”, ngoài việc chuẩn bị quà bộ phận tổ chức cần đóng gói, sắp xếp phù hợp và tặng quà cho khách mời đúng lúc. Có thể đính kèm một chiếc thiệp cảm ơn hoặc đôi dòng gửi tặng, kèm tên người nhận trên hộp quà, để họ cảm thấy mình luôn được tôn trọng và nhớ đến.

Với tiệc nội bộ, dành cho nhân viên công ty

Khác với khách mời bên ngoài - những người đến để tìm hiểu và cảm nhận thương hiệu, thì nhân viên chính là những người sống, làm việc trong văn hóa và thương hiệu của công ty mỗi ngày. Vì vậy, tiệc nội bộ không chỉ là dịp ăn uống, thư giãn mà còn là cơ hội để củng cố tinh thần, kết nối tập thể và giúp từng cá nhân cảm thấy mình là một phần quan trọng của hành trình chung.

Dưới đây là 3 cách để HR, Admin lồng ghép dấu ấn thương hiệu một cách tự nhiên và hiệu quả vào các buổi tiệc nội bộ:

Hình thức ẩm thực phù hợp với nhu cầu

Thay vì chọn hình thức tiệc theo “gu của người tổ chức”, hãy dành thời gian khảo sát hoặc quan sát nhu cầu thực tế của đội ngũ. Họ mong muốn gì trong một buổi tiệc? Không gian trang trọng hay gần gũi? Muốn ngồi cùng team quen hay khám phá nhóm mới?... Trả lời được những câu hỏi ấy, bạn dễ dàng chọn được hình thức tiệc phù hợp với từng buổi gắn kết nội bộ, ví dụ:

  • Với tiệc liên hoan, happy hour hàng tuần: tiệc street food, fast food, live station hấp dẫn sẽ tạo không khí thoải mái, cởi mở và phù hợp khẩu vị.
  • Với những dịp đặc biệt như tổng kết quý, ngày tri ân nhân viên hay các ngày đặc biệt trong năm: tiệc buffet, tiệc finger food với đa dạng và đầy đặn món ăn ngon sẽ phù hợp để “chiêu đãi” mọi người.
  • Với lễ kỷ niệm công ty, tiệc tất niên: tiệc bàn sẽ giúp tạo cảm giác trang trọng, giúp mọi người tập trung vào sân khấu chính và dễ dàng thưởng thức, tham gia các hoạt động của chương trình.
Giới thiệu món ăn

Việc chọn hình thức tiệc đúng nhu cầu, đúng dịp sẽ giúp nhân viên ăn ngon hơn, vui hơn và cảm thấy được thấu hiểu, được đúng ý. Từ đó, mỗi người sẽ dễ mở lòng, kết nối và có những ấn tượng tích cực về văn hóa nội bộ và hình ảnh thương hiệu của công ty.

Các hoạt động mang tính cá nhân hoá

Một buổi tiệc có thể được tổ chức chỉn chu, món ăn có thể rất ngon, nhưng nếu thiếu sự kết nối cá nhân thì cũng khó để lại dấu ấn thương hiệu và đọng lại cảm xúc trong lòng người tham gia. Với các buổi tiệc nội bộ, với nhân viên công ty, bạn có thể áp dụng các hoạt động cá nhân hoá để tạo “điểm chạm”, gắn kết và khắc sâu văn hoá nội bộ trong họ.

Vì vậy, ngoài việc ăn uống, trong các buổi tiệc bạn cần có kế hoạch tổ chức chỉn chu, chuẩn bị các hoạt động vui chơi, giải trí và kết nối phù hợp. Khi thì hoạt động kết nối cảm xúc; khi những trò chơi hoạt náo, sôi động; khi thì ăn uống tiệc tùng tại văn phòng; nhưng cũng có khi thì ra ngoài dã ngoại, picnic thư giãn… Với kinh nghiệm tổ chức và đồng hành với hàng trăm doanh nghiệp, tổ chức hàng ngàn buổi tiệc, PITO chắc rằng những hoạt động này không tốn quá nhiều chi phí hay công sức tổ chức, nhưng lại tác động mạnh mẽ đến cảm xúc và sự gắn kết của nội bộ.

Tạo cơ hội để mọi người lan toả

Mỗi nhân viên không chỉ là người tham dự buổi tiệc, mà còn có thể trở thành “đại sứ thương hiệu” một cách tự nhiên, nếu bữa tiệc và hoạt động của công ty đủ chạm đến họ. Trong thời đại mạng xã hội, việc một bức ảnh được đăng lên story, một video vui được chia sẻ trên TikTok hay chỉ đơn giản là vài dòng cảm xúc sau sự kiện… đều có thể trở thành những bài truyền thông hiệu quả, lan tỏa văn hóa doanh nghiệp ra bên ngoài. HR, Admin có thể khuyến khích nhân viên lan tỏa, bằng cách:

  • Tạo khu vực check-in “xịn sò”, backdrop được thiết đẹp, sáng tạo; có sẵn hashtag và bộ phận chụp ảnh, giúp mọi người ghi lại những khoảnh khắc đẹp.
  • Tổ chức mini game “check-in nhận quà” ngay tại bữa tiệc hoặc tạo chiến dịch lan toả video trên tiktok. Chỉ cần nhân viên check-in hoặc đăng video với chế độ công khai, đều sẽ nhận được những phần quà hấp dẫn từ công ty.
  • Trích dẫn cảm nhận của nhân viên sau sự kiện để làm nội dung cho truyền thông nội bộ, cách này vừa giúp lan tỏa thông điệp chân thật, vừa khiến người được trích dẫn cảm thấy tự hào, được công nhận.

Lưu ý, điều quan trọng là hãy làm cho nhân viên muốn chia sẻ chứ không phải bị ép chia sẻ. Khi cảm thấy vui, tự hào và có trải nghiệm tốt, họ sẽ tự lan tỏa những điều tích cực về công ty và hình ảnh thương hiệu.

Trang trí tiệc

4 lưu ý khi lồng ghép dấu ấn thương hiệu vào các buổi tiệc

  • Thương hiệu chỉ nổi bật khi đi kèm cảm xúc: Logo, màu sắc, slogan chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm”, điều đọng lại sau cùng trong lòng người dự tiệc chính là cảm xúc họ trải qua, những tương tác họ có được và cách công ty chăm chút trong từng chi tiết nhỏ. Vì vậy, trước khi nghĩ đến việc đặt phần nhận diện thương hiệu ở đâu, HR, Admin hãy đặt câu hỏi: bữa tiệc này mang lại giá trị gì cho người tham gia?
  • Đồng bộ nhưng không nhàm chán: Việc lặp lại hình ảnh thương hiệu ở nhiều điểm chạm là cần thiết, nhưng nếu sử dụng một cách máy móc, khô cứng sẽ phản tác dụng. Hãy tìm cách biến tấu sáng tạo: thay vì logo in lớn trên từng bảng tên, hãy khéo léo lồng ghép qua màu sắc, hình ảnh minh họa, câu chữ gần gũi hoặc yếu tố bất ngờ trong từng trải nghiệm.
  • Phân biệt rõ giữa “nội bộ” và “đối ngoại”: Cách thể hiện thương hiệu trong tiệc dành cho khách mời bên ngoài nên mang tính giới thiệu, tạo ấn tượng và chuyên nghiệp. Ngược lại, với tiệc nội bộ, dành cho nhân viên, điều quan trọng là tập trung vào sự gần gũi, cảm xúc và gắn kết cá nhân để nhân viên cảm thấy họ là một phần không thể tách rời của thương hiệu.
  • Lựa chọn nhà cung cấp tiệc phù hợp: Một đơn vị catering chuyên nghiệp, có nhiều kinh nghiệm sẽ hiểu bộ phận tổ chức cần gì, muốn gì và thậm chí có thêm sự tư vấn để buổi tiệc, sự kiện trở nên chuyên nghiệp hơn. Do đó, việc lựa chọn đối tác là phần quan trọng, cần sự lưu tâm của HR, Admin. Với kinh nghiệm đa dạng và đồng hành cùng hàng ngàn bữa tiệc tại các doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia, PITO mang đến sự hài lòng từ ẩm thực đến các yếu tố tạo dấu ấn thương hiệu, để bữa tiệc của quý công ty đọng mãi trong lòng thực khách.

Với các công ty, doanh nghiệp, dấu ấn thương hiệu là yếu tố “sống còn”. Vì vậy, nếu các buổi tiệc do HR, Admin tổ chức có thể lồng ghép tốt và tạo nên hiệu ứng tích cực, đó sẽ là một giá trị lớn – không chỉ giúp thương hiệu được lan tỏa một cách tự nhiên mà còn góp phần nâng tầm vai trò của người tổ chức trong mắt ban lãnh đạo và toàn thể nhân sự. 

Hãy xem mỗi buổi tiệc là một “cơ hội vàng” để kể câu chuyện thương hiệu theo cách riêng, sống động và gần gũi nhất nhé!

Hồng Như

Chiếc bánh Tea break xinh xắn, bàn Buffet sang trọng luôn có sự thu hút lớn với Như. Trước là vì món ngon nhưng sau là vì những giá trị về văn hoá, ẩm thực thú vị. Chọn con đường viết lách chuyên nghiệp nghiêng về ẩm thực và Catering, Như tin các bài viết của mình tại PITO có thể truyền cảm hứng đến bạn, đồng hành cùng bạn trên hành trình tìm kiếm các giải pháp, dịch vụ ăn uống cho doanh nghiệp.

{"email":"Email address invalid","url":"Website address invalid","required":"Required field missing"}


Page [tcb_pagination_current_page] of [tcb_pagination_total_pages]

Đăng ký nhận Newsletter từ PITO

>